jump to navigation

Tôi đi hát ca đoàn 29.04.2023

Posted by Giáo xứ Báo Đáp giáo phận Bùi Chu in Ca đoàn Gia trưởng, Ca đoàn giáo lý viên, Ca đoàn giới trẻ, Ca đoàn Hiền mẫu, Ca đoàn Thánh Tâm, Góp nhặt, Suy ngẫm, Tin giáo xứ, Tin tức.
comments closed

Ngồi giữa nhà thờ, giọng tôi hát thánh ca rất lớn, có lúc át cả những tiếng hát của cộng đoàn phụng vụ. Không chỉ hát “giọng thường”, tôi hát cả giọng bè, hát một cách tự nhiên. Rồi sau nhiều lần được “rủ” tham gia, cuối cùng tôi cũng gia nhập “đội ngũ” những người “chuyên nghiệp” hát thánh ca phụng vụ trong nhà thờ.

Ðó là vào những năm hậu bán thập niên 1980 của thế kỷ trước.

Sau năm 1975, gia đình tôi từ Sài Gòn hồi hương về quê cha đất tổ. Bấy giờ, nhà thờ là những mái nhà tạm bằng tôn, bằng lá được dựng tạm lên sau chiến tranh. Mọi thứ đối với tôi đều lạ lẫm…

Biết nghe, biết hát từ nhỏ vì cả họ ai cũng hát…

Ông nội tôi là “Biện họ” – bây giờ vẫn quen gọi là Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ, hoặc ở những xứ Bắc dùng từ Chánh trương – của một họ đạo (một số vùng Nam bộ còn giữ ngôn từ xưa gọi giáo xứ là họ đạo) mà tính cho đến hôm nay, vẫn chưa vượt quá 200 giáo dân. Họ đạo nhỏ nhất giáo phận Vĩnh Long : Phú Túc, nhưng có  đến mười ơn gọi, trong đó có 3 linh mục (gồm một đức ông) và 7 nữ tu (2 Saint Paul de Chartres và 5 MTG Cái Mơn và Cái Nhum).

Lớn lên trong một môi trường mà ngồi đâu, đi đâu, ở đâu cũng nghe hát nhạc đạo, tôi “bị nhiễm” nhạc thánh từ thuở tấm bé. Các cô ruột là “ma soeur” thì vừa đánh đờn mandoline, vừa hát nhạc Chúa. Cha, mấy cô, mấy chú thì đi chỗ nào có cơ hội là lấy khẩu cầm harmonica, đàn mandoline hay guitar ra mà đánh. Vừa đánh vừa hát, ai muốn hát gì cũng được, từ nhạc tiền chiến, nhạc “vàng” đến nhạc đạo… Ngày này qua ngày khác, năm này sang tháng nọ, chúng tôi lớn lên trong một gia tộc có truyền thống “hát nhạc đạo” như thế. Riết rồi thuộc, rồi quen. Mỗi lần lễ Giáng Sinh đến, cả họ xúm lại tập dợt thánh ca, dợt cả hoạt cảnh, diễn kịch…

Chị tôi, nữ tu Dòng Saint Paul de Chartres được Bề trên giao phụ trách ca đoàn (lúc bấy giờ, do tình hình mới mẻ nên để tránh những rắc rối hay ngộ nhận, các nhà thờ chỉ gọi là “ban hát”. Neo người, bà chị “ma-xơ” đã tập hợp những người anh em, con cháu là bà con trong họ đạo để tham gia ban hát. Từ tay đàn, tay kèn, tay trống, giọng chính, giọng  bè, giọng solo, đánh “mờ-giuya” (mesure – đánh nhịp), thậm chí làm diễn nguyện Giáng Sinh… cũng toàn “người nhà”. Duy chỉ một người không có mặt, đó là tôi !

Tôi vốn không thích gò bó khi tham gia một tổ chức, hội, nhóm nào. Ban hát của nhà thờ bé nhỏ vùng quê của tôi, nói thiệt ra cũng toàn những người quen với nhau. Hát, xướng, solo, dù có lỡ bị sai nhịp, cũng cứ nể nang nhau, né nhau, hát sao cũng được miễn không làm mích lòng nhau… Cứ vậy thành một “quy luật bất thành văn”: Ai góp tiếng hát cũng được, không cần phải “hay mới hát”.

Từ hát cho có hát đến đi học để về hát

Cả họ hàng tôi gần như ai cũng tham gia hát ca đoàn. Tôi về sau cũng không được ngoại lệ với bà chị. Chỉ là lúc tôi bắt đầu tham gia hát thì những người khác đã ra khỏi ca đoàn gần hết. Vốn có chút năng khiếu về hát, tôi mau chóng trở thành giọng chính của nhiều bè, bè bass, bè ténor rồi bè trung, tùy vào tình hình cụ thể ban hát, khi bè này, lúc bè kia, nhưng đã hát bè thì giọng chính của bè. Có lẽ hầu hết các ca đoàn không chuyên đều như vậy.

Một lần nọ, vào những năm đầu thập niên 1990, nữ tu ca trưởng hỏi “Em đi học ca trưởng không?”, tôi khá bất ngờ. Sau đó mới biết đây là một khóa học bồi dưỡng thánh nhạc dành cho các ca trưởng, nhạc trưởng, nhạc công, ca viên của giáo phận Mỹ Tho, là khóa đầu tiên kể từ sau năm 1975, nội dung là hướng dẫn hòa âm sáng tác thánh ca, đối âm và chỉ huy ca đoàn nên tôi… xiêu lòng. Chính tại khóa học hết sức mới mẻ này, được làm đệ tử của linh mục nhạc sư Phêrô Kim Long (dạy hòa âm, đối âm, sáng tác thánh ca), linh mục nhạc sĩ Giuse Bùi Văn Hoàng (dạy thanh nhạc), linh mục Thomas Phạm Ngọc Dương (dạy thánh nhạc)…, tôi bắt đầu nghĩ nhiều về thánh nhạc, thánh ca, về âm nhạc nói chung. Bước ngoặt cho sự quan tâm đến nhạc thánh trong đầu một đứa giáo viên nhà quê (là tôi) bắt đầu từ đây.

Tôi đã không bỏ sót một tiết học nào do cha Kim Long phụ trách. Phải nói, tài năng, phong cách và điệu nghệ “đánh mesure” của cha đã cuốn hút tôi, cuốn hút hết thảy những học trò ngài. Ngài từng nói rất rõ, rằng “ca trưởng là linh hồn của ca đoàn”. Linh hồn phải thể hiện qua khả năng kiến thức, tầm vóc hiểu biết, kỹ năng đánh nhịp; trong đó đánh nhịp là kỹ năng cực kỳ quan trọng, có khả năng “mê hoặc” ca viên, biến những kẻ xướng ca bình thường thành một dàn hợp xướng đồng ca có linh hồn, cất tiếng hát bay vút “tận trời cao”. Ngài dạy rằng, vai trò người đánh nhịp vô cùng quan trọng, có thể khiến ca viên lo ra hay tập trung, hát máy móc hay hát bằng cả trái tim và tâm hồn. Người đánh nhịp chẳng những không được đánh sai, đánh qua loa, mà còn phải đánh hay, điệu nghệ, và “có phép thuật” ! Phép thuật trong đánh nhịp, theo cha Kim Long là đánh bằng cổ tay, bằng cánh tay, bằng vai, bằng lưng, và cả bằng… mông ! Phải nói, lần đầu tiên bọn chúng tôi nghe qua những từ gọi đó, cả đám đều lạ lẫm, ngơ ngác, có đứa phì cười. Rồi thầy bắt đầu biểu diễn thực học từng kiểu đánh cho cả lớp mục sở thị.

Còn nhớ trong khóa học, có một lần đó toàn thể học viên gom lại thành một “đại ca đoàn” với gần 300 người, tập hát ngày đêm để chuẩn bị cho thánh lễ đón Ðức cha Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, tân giám mục vừa thụ phong ở Cần Thơ về làm Giám mục phó Giáo phận Mỹ Tho (năm 1993). Tập hát với một đại ca đoàn đông và quy mô như vậy dưới quyền chỉ huy của ngài mà không một thành viên nào lo ra, tất cả đều dành hết khả năng, sự nhiệt tình của mình để góp tiếng hát cho sự thành công của buổi lễ. Mà làm sao có thể không bị hút hồn được, khi cha Kim Long đánh nhịp quá tuyệt vời! Ngài khiến bao nhiêu con người phải “chết mê chết mệt” bởi lối đánh theo phong cách Ý Ðại Lợi, tách phách phân nhịp chi tiết, rõ ràng, lôi cuốn. “Ca trưởng phải chịu trách nhiệm trước hết với ca đoàn và phải có khả năng lôi cuốn, chi phối toàn bộ diễn hát của ca đoàn. Phải là linh hồn của ca đoàn!”, ngài cứ nhắc đi nhắc lại lời dạy này.

Và hát thánh ca có trách nhiệm

Tham gia xong ba khóa học thánh nhạc – ca trưởng – hòa âm của cha Kim Long, cha Bùi Hoàng (từ 1993 – 1995), tôi bắt đầu ý thức được vai trò, sứ mệnh của người hát ca đoàn. Tôi tham gia không còn là để “hát cho có tụ” với anh em, để thi thố coi ai hát lớn hơn, hay hơn, bè tốt hơn…, mà hát và cộng tác ca đoàn với một thái độ chủ động, tích cực, ý thức. Tôi cũng lan tỏa những điều ấy, – những kiến thức về thánh nhạc, âm nhạc mình học được – cho anh em bạn bè thân thiết trong ca đoàn. Rồi lan sang những thành viên khác, trở thành cánh tay trợ thủ của ca trưởng. Những khi các họ đạo bạn trong giáo phận có lời mời, tôi đưa một nhóm anh em trong ca đoàn đi “hát lễ dạo” và trở thành “ca trưởng dạo”, hát năm này sang năm khác. Hát thánh ca và tham gia ca đoàn, với tôi như một niềm đam mê. Ði đến đâu hay đi lễ nhà thờ nào, dù quen hay lạ, hễ thánh ca cất lên là tôi, dù ngồi giữa cộng đoàn, vẫn cất tiếng hát ca vang, hát lớn tự nhiên và không chút ngại ngùng. Bài nào thuộc bè thì hát cả bè, không thuộc bè thì “chế” bè mà hát, vừa “solfège” (xướng âm) vừa hát.

Vào những dịp lễ lớn, ca đoàn thường cứ loay hoay, lục đục suốt thánh lễ để mở sách hát, chuẩn bị bài hát, nhắc lại phân công giọng solo… nên đa phần mọi người thiếu tập trung tham dự thánh lễ. Khi học về thánh nhạc, tôi nêu băn khoăn này với cha giáo. Các ngài bảo rằng, các bạn hát tốt trong ca đoàn, giúp cộng đoàn phụng vụ thêm sốt sắng hơn trong thánh lễ là đã “tham dự thánh lễ” rồi. Ðừng nghĩ ngợi nhiều, vì mỗi người mỗi việc, nhạc công cũng chỉ tập trung sao cho đàn thật tốt để ca đoàn hát tốt là được. Ðàn, hát chính là tham dự thánh lễ vậy !

Rồi khi tất cả bọn tôi đều qua tuổi hát ca đoàn, tôi lại truyền cảm hứng “hát ca đoàn” cho các con, các cháu, khích lệ động viên chúng. Bắt đầu từ ca đoàn đồng ấu, rồi ca đoàn thiếu nhi, đứa nào có tí năng khiếu, thậm chí chưa phát hiện có năng khiếu, tôi đều khích lệ chúng tham gia. “Hát là cầu nguyện hai lần” mà ! Tập hát ở nhà thờ xong còn mang sách hát về nhà, có thời gian thì tôi ngồi với con để hướng dẫn thêm cách phân nhịp thở, hát đẫy hơi, luyện giọng, hát bằng tâm hồn hướng về Trời Cao như thế nào… Có đứa học đàn phím (piano, keyboard), tôi cổ xúy tham gia đánh đệm đàn nhà thờ. Tính vậy cũng đã ba đời tham gia hát ca đoàn, đánh đàn nhà thờ rồi, ít gì ! Bọn trẻ bây giờ vẫn đều đặn tham gia hát ca đoàn…

*

Nhắc lại hoài niệm về quá trình tham gia các ban hát nhà thờ, các ca đoàn, rồi học thánh nhạc, về âm nhạc và hòa âm, về ca trưởng – như là một sự may mắn – , tôi như muốn chia sẻ chút về kinh nghiệm, trải nghiệm về hát thánh ca, hát ca đoàn của mình và các bạn hát. Ngày nay, nhiều nhà thờ, giáo xứ có các ban hát chuyên nghiệp, hoánh tráng, ca viên được đào tạo bài bản, kiến thức thánh nhạc tốt; song cũng không ít họ đạo, nhất là những họ đạo nhỏ, lẻ, vùng xa, tiếng hát thánh ca trong nhà thờ thật là khiêm tốn. Tôi đi nhiều nơi, thấy có nhà thờ, ca đoàn chỉ vỏn vẹn 5 người, 6 người. Cha xứ cứ lên tòa giảng mời các bạn trẻ tình nguyện tham gia “ban hát” để cất tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa. Nhưng mà ít quá ! Lại cũng có ca đoàn mà các bạn trẻ tham gia vì vui, vì thấy “tham gia ca đoàn cũng có cái uy” (!)… Vui có, uy cũng có, nhưng hát ca đoàn mà chỉ có vậy, vẫn còn thiếu. Tuy nhiên, công bằng mà nói, ở nhiều ca đoàn, nhất là ở những họ đạo nhỏ, vùng sâu vùng xa, có người tham gia hát đã là mừng; cứ hát trước, rồi hát hay sau. Về phía cộng đoàn phụng vụ, nhiều người tham dự thánh lễ còn khá thụ động, đọc kinh đã không màng, hát thánh ca càng chẳng ham. Vô nhà thờ, nhiều bạn trẻ còn vô tư nói chuyện điện thoại, lướt web, “còm”, “lai” trên Facebook. Rất nhiều người trẻ chưa quen vô nhà thờ tắt điện thoại, hoặc chuyển sang chế độ yên lặng, dễ làm phiền người xung quanh và gây mất tập trung với chính mình. Thánh lễ chỉ là màn song diễn của cha chủ tế và ca đoàn.

Hát thánh ca như hơi thở tự nhiên. Hát thánh ca để tham dự thánh lễ chủ động và sốt sắng hơn. Hát ca đoàn như một cộng tác trong hiệp thông phụng vụ. Tôi nghĩ vậy !

Uyên Phương

GIẤY RAO CÁC THẦY SẼ ĐƯỢC CHỊU CHỨC PHÓ TẾ 10.03.2023

Posted by Giáo xứ Báo Đáp giáo phận Bùi Chu in Ca đoàn Thánh Tâm, Giáp Đức Mẹ, Tin giáo phận, Tin giáo xứ, Tin tức.
comments closed
giay rao pho te bui chu 2023
giay rao pho te bui chu 2023 1

Tác giả: BT